Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Teo tóp doanh nghiệp tư nhân: "Tôi kiệt sức rồi!"

TT - Chủ một doanh nghiệp tư nhân ở TP.HCM đã thốt lên như vậy vì thời thịnh vượng có tới hàng trăm công nhân, bây giờ teo tóp còn vài chục công nhân.
Ông Lê Hữu Đào - chủ Công ty Vĩnh Lộc Phát chuyên sản xuất hàng nhựa ở huyện Bình Chánh, TP.HCM - cho rằng doanh nghiệp trong nước chỉ làm hàng “chợ”, chứ không thể làm hàng “thương hiệu” - Ảnh: Đình Dân
Không có quốc gia nào có thể phát triển nếu dựa hoàn toàn hoặc ỷ lại vào khu vực DN nước ngoài. Chính sách của Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến kinh tế tư nhân, một khu vực năng động, là đúng hướng và đúng lúc
Bà Victoria Kwakwa (giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN)
Những ông chủ khác cũng giảm quy mô sản xuất vì sản phẩm không thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan…
Nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân tại VN, đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ, đang đuối sức rõ rệt. Khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp VN cho thấy quy mô vốn, lao động của khu vực này đang teo tóp nhanh, trái ngược với sự lớn mạnh của nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Ảm đạm. Chỉ có thể diễn tả như vậy về không khí quanh khu vực sản xuất may mặc ở quận 8 (TP.HCM), một trong những nơi sản xuất năng động một thời của TP.HCM.
Quy mô giảm 20%
Lật cuốn sổ ghi chép đơn hàng đang ngày một thu ngắn lại, ông Nguyễn Văn Huy - chủ DN may mặc Hoàng Giang (một trong 10 DN may mặc đang phân phối hàng cho một hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM) - nói rằng giờ không chỉ hàng Trung Quốc mà hàng Thái Lan cũng tràn vào và cuộc cạnh tranh thị phần càng khốc liệt.
“Sản phẩm về chất lượng chưa chắc hơn mình, nhưng về quy mô vốn và công nghệ thì mình thua chắc. Chỉ riêng về vốn để phục vụ sản xuất mỗi năm lãi suất vẫn từ 10-11%, gấp đôi, thậm chí gấp ba đối thủ”.
Ông Huy thừa nhận trong khi các DN may có vốn nước ngoài đầu tư không ngừng vào công nghệ mới, liên tục mở thêm nhiều dây chuyền, tăng tuyển dụng công nhân thì tại công ty ông, mọi thứ không khác gì ba năm trước.
Quả thật, giống như khi chúng tôi đến thăm lần trước cách đây ba năm, vẫn chỉ có ba căn nhà nơi công nhân làm việc, vẫn từng đó máy móc phục vụ cho sản xuất, trông đã cũ kỹ hơn trước khá nhiều. Ông Huy cho biết quy mô sản xuất năm 2014 phải giảm 20% so với năm ngoái, giá bán sản phẩm cũng phải hạ thêm từ 7-10% tùy mặt hàng.
Tình cảnh của Công ty may Bình Hòa ở quận Gò Vấp, TP.HCM còn tệ hơn. Kho xưởng, dây chuyền sản xuất phần lớn đã đóng cửa, chỉ còn vài chục công nhân cầm cự. Gặp lại người quen, ông Phùng Đình Ngọ, chủ DN này, cũng chẳng buồn kể về chuyện vì sao đóng cửa, chỉ thở dài buông một câu: “Tôi kiệt sức rồi!”.
Nhớ thời còn thịnh vượng công nhân công ty này lên đến 300-400 người. “Công ty chỉ còn vài chục người. Tôi chưa muốn giải thể hoàn toàn vì còn chờ cơ hội từ TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) có thay đổi được gì không, nếu không tôi phải bỏ hẳn dệt may để chuyển qua lĩnh vực khác” - ông Ngọ nói.
Ông Ngọ cho biết thời điểm này lĩnh vực dệt may tiếp nhận sự ồ ạt đổ bộ của các DN nước ngoài. Với thế mạnh về vốn, công nghệ và thị trường, họ đã chiếm lĩnh và “quét” sạch cả nhân công mà công ty đã đào tạo tay nghề.
Tiếp tục từ Gò Vấp ngược về quận 12 tới thăm lại các khu vực sản xuất mặt hàng cơ khí, điện tử, càng thấy “căn bệnh” đói hàng và đói vốn cũng đang hành hạ nhiều DN tư nhân từng ngày.
Tại nhà xưởng sản xuất của Công ty CP Sáng tạo công nghiệp, đơn vị chuyên sản xuất tủ điện, hơn 200 công nhân đang trải qua một quá trình đào tạo nghiêm ngặt với mục tiêu nâng cao năng suất.
Ông Phùng Bùi Tuấn Nghĩa, giám đốc sản xuất công ty này, cho biết đây là một chiến lược trong thời điểm đơn hàng quá khó khăn như hiện nay song cũng không dám tự tin đó đã là liều thuốc hữu hiệu để phục hồi sức khỏe DN của mình hay chưa.
“Các báo cáo từ một số cơ quan nhà nước cho thấy tình hình suy thoái kinh tế đã được chặn lại và bắt đầu sáng sủa hơn song thực tế DN chúng tôi đang cực kỳ khó khăn. Khủng hoảng kéo dài hơn mức chịu đựng của DN” - ông Nghĩa buồn bã. Ông cho rằng trong thời điểm này thị trường mới là yếu tố then chốt, nhưng muốn giành được thị phần phải có vốn và công nghệ, đó lại là hai yếu tố họ không tiếp cận được.
Công ty Vĩnh Lộc Phát (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết muốn tiếp cận vốn ưu đãi cho DN nhỏ và vừa để làm hàng cũng khó chứ chưa nói gì đến hỗ trợ vốn để đổi mới công nghệ - Ảnh: Đình Dân
Không đọ lại 2 đối thủ lớn
Công ty của ông Nghĩa tiền thân là một nhà xưởng cơ khí ở Biên Hòa, thành lập cách đây 13 năm. “So với ngày khởi sự thì nay năng suất của chúng tôi tăng lên 7-8 lần. Tuy nhiên, so với các DN cùng lĩnh vực từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... năng suất của mình vẫn thấp hơn. Cụ thể vẫn thua những công ty Malaysia hai lần, Đài Loan từ 3-4 lần và các nước khác thì có năng suất gấp nhiều lần mình” - ông Nghĩa so sánh.
Không đọ lại DN có vốn nước ngoài tại sân nhà, ngay cả trong nước với nhau, DN tư nhân cũng yếu thế so với các công ty thuộc khối quốc doanh. Ông Lê Minh Đức, chủ DN tư nhân Quang Minh (Hoàng Mai, Hà Nội), buồn bã cho biết vừa thất bại trong việc đấu thầu gói xây dựng ở một dự án trong thành phố.
“DN tôi từng thực hiện được dự án cỡ đó và cũng nêu trong hồ sơ năng lực điều đó. Song cuối cùng gói thầu vẫn rơi vào tay một DN nhà nước. Giờ chúng tôi đang tìm cách làm nhà thầu phụ cho đơn vị này và kiếm thêm bằng cách làm thầu phụ cho một nhà thầu nước ngoài trong gói thầu trước đó mà chúng tôi cũng đã thua” - ông Đức kể.
Cũng theo ông Đức, đây là chuyện vẫn hay xảy ra với các DN tư nhân như Quang Minh. Hiếm khi nhà thầu như họ thắng được những gói lớn, dù chứng minh được năng lực trong hồ sơ. Theo ông, DN nhà nước và nhà thầu nước ngoài thường thắng thầu, đôi khi họ liên kết với nhau và khi đó không có cửa cho DN tư nhân.
Ông Đức cho biết có những thứ rất nhỏ thôi ông cũng thua kém các DN đối thủ ở hai khu vực kia. “Chẳng hạn, việc hẹn gặp lãnh đạo cấp cao của những dự án hay gặp gỡ lãnh đạo các cấp chính quyền thì sếp nước ngoài hay nhà nước vẫn dễ vào hơn chúng tôi” - ông nói.
Đến Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TP.HCM), khu vực sản xuất nhựa ép, nhựa dệt chỉ còn hai DN bám trụ hoạt động. Cuộc chơi khốc liệt hai năm nay đã loại bỏ ba trên năm DN đang hoạt động tại đây.
Vén những sợi dây trên những cỗ máy già nua trong khu nhà xưởng chạy hạt nhựa rộng hơn 1.400m2, ông Lê Hữu Đào, chủ Công ty Vĩnh Lộc Phát (huyện Bình Chánh), tâm sự: “Làm DN suốt gần chục năm nay ai chẳng muốn làm thương hiệu, ai chẳng khát khao vươn ra biển lớn nhưng mới manh nha làm thương hiệu là bị “đập” chết ngay. Cuộc chơi ngày càng trở nên nghiệt ngã”.
Nhìn sang khu nhà xưởng của chủ DN người Đài Loan, ông Đào phân tích trong giới làm nhựa hiện nay các DN VN mạnh trong nhựa dệt (làm bao bì), còn nhựa ép thì DN Đài Loan rất mạnh. Trong thị trường làm hàng nhựa ở đây DN đang bám theo hai phân khúc là hàng cao cấp (phục vụ xuất khẩu là chủ yếu) và hàng “chợ” (thị trường trong nước và xuất các thị trường ngách).
“Những DN nước ngoài ở đây về năng lực sản xuất chưa chắc hơn chúng tôi nhưng họ có nguồn vốn rẻ và công nghệ thì họ được chính phủ hỗ trợ phát triển và chuyển vào VN” - ông Đào nói.
Chính vì vậy, nhiều DN Đài Loan trong ngành nhựa ở đây chiếm phần lớn thị phần hàng nhựa cao cấp xuất khẩu, còn số ít DN trong nước chỉ làm hàng “chợ”. Hai năm qua, ba DN VN trong lĩnh vực này manh nha làm hàng thương hiệu bị ép giá đến phá sản.
Số DN đóng cửa, giải thể ngày càng tăng 
Nguồn: Ngân hàng Thế giới tại VN, Tổng cục Thống kê - Đồ họa: V.Cường
Ít nhận được hỗ trợ từ Nhà nước
Ông Đào kể từ khi thành lập DN đến nay cũng ngót ngét chục năm chưa bao giờ nhận được hỗ trợ, ưu ái gì từ chính sách.
“Nhiều lần khó khăn, đói vốn chúng tôi cũng tìm đến các gói tín dụng ưu đãi cho DN vừa và nhỏ nhưng chính sách cho vay rất khó. Bên cho vay đòi đủ thứ chứng minh, thậm chí cả nguồn gốc máy móc. Họ như muốn một hồ sơ DN sạch sẽ hoàn toàn mà những điều kiện này với DN nhỏ và vừa rất khó đạt được” - ông Đào nói.
Ông Đào cũng nói rằng không chỉ vốn, công nghệ mà ngay cả thị trường DN nhỏ và vừa như ông đều phải tự bơi vì vai trò kết nối của các hiệp hội DN rất mờ nhạt.
Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế từ sau năm 2008 tới nay, cũng như các nước khác, VN liên tiếp đưa ra nhiều biện pháp giải cứu nền kinh tế, các gói cứu trợ. Tuy nhiên, các DN tư nhân không có nhiều cơ hội.
“DN tư nhân như chúng tôi không được sử dụng những nguồn vốn giá rẻ từ Nhà nước để giảm bớt chi phí trong thời điểm này” - ông Nguyễn Ngọc Út, giám đốc điều hành Công ty du lịch Golden Tours (Q.1, TP.HCM), khẳng định.
Theo ông Út, thực tế hiện nay là DN nhà nước thường có sự hậu thuẫn về tài chính từ Nhà nước cũng như dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ từ những định chế khác.
Trong khi đó, DN FDI lại có sự hậu thuẫn rất mạnh từ các tổ chức ngành nghề, các hiệp hội của chính nước họ. Cả hai đối tượng đó đều được đảm bảo khả năng tài chính tốt để đầu tư khoa học công nghệ, còn DN tư nhân thì hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào.
Ngay cả những khi có chính sách hỗ trợ được Nhà nước ban hành thì việc tiếp cận của DN tư nhân cũng khó hơn gấp bội vì thường bị vướng mắc trong các thủ tục hành chính.
Chưa vượt qua khó khăn
Quy mô khu vực kinh tế tư nhân VN ngày càng nhỏ  (Nguồn: VCCI) - Đồ họa: V.CƯỜNG
Quy mô khu vực kinh tế tư nhân VN ngày càng nhỏ (Nguồn: VCCI) - Đồ họa: V.Cường
Theo báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế VN của Ngân hàng Thế giới tháng 12-2014, DN tư nhân vẫn chưa vượt qua khó khăn thách thức mà họ đã đối mặt trong vài ba năm qua. Số lượng DN trong nước đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động đang ngày càng tăng.
Các DN tư nhân trong nước rõ ràng đang bị tác động tiêu cực bởi khả năng hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn, do lực cầu nội địa yếu và do môi trường cạnh tranh không bình đẳng với các DN nhà nước.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không phải chịu quá nhiều áp lực của hệ thống quản lý trong nước và hiện vẫn là nguồn tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế VN, đóng góp gần 20% GDP, 22% tổng vốn đầu tư, 2/3 kim ngạch xuất khẩu và tạo ra 1/4 việc làm.
Bà Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN, cho rằng kinh tế tư nhân đã phải vật lộn với bao khó khăn thử thách trong vài năm qua. Một số DN phải đóng cửa. Số còn lại chủ yếu nằm trong khu vực phi chính thức, quy mô rất nhỏ hoặc nhỏ và vừa.
Theo bà Victoria Kwakwa, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến kinh tế tư nhân, cải cách thể chế cũng cần tập trung vào những vấn đề này và các thách thức khác mà kinh tế tư nhân đang phải đối mặt.
Đặc biệt, cần thay đổi trong tương quan lực lượng giữa ba khối hiện nay. Tiềm năng để kinh tế VN đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn chỉ có thể trở thành hiện thực khi có tiến bộ thật sự trong việc giải quyết những bất cập của khu vực DN nhà nước và ngân hàng - hiện gây trở ngại tới hiệu quả và năng suất của nền kinh tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét