20 tỷ USD, con số mà ngành gỗ vốn chưa nghĩ tới bởi mục tiêu từ nay đến 2020 chỉ “hy vọng đạt 10 - 12 tỷ USD”, thực tế theo nhiều DN là hoàn toàn có cơ hội khả thi…
Nhà máy chế biến gỗ của Cty Cổ phần SAHABAK (KCN Thanh Bình, xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn)
Ngành gỗ Việt Nam đang đứng top thứ 6 thế giới về xuất khẩu, chỉ sau Mỹ, Ý, Đức, Ba Lan, Trung Quốc.
Đây là vị trí chứng tỏ sự tăng trưởng “diệu kì” của ngành gỗ VN bởi lùi lại chỉ cách đây chục năm về trước, ngành gỗ của chúng ta vốn “không ai thèm bắt chuyện” khi mới tò te xuất khẩu được khoảng 200 triệu USD/năm, rất “thấp bé nhẹ cân” so với Malaysia và Indonesia có kim ngạch xuất khẩu ngành đã 1,5 -1,8 tỷ USD/năm.
Sớm vượt mục tiêu...
Các DN ngành gỗ cho rằng điều đó chứng minh người VN học nhanh, có khả năng làm tốt, biết nắm bắt và mở rộng thị trường – yếu tố quan trọng trong một ngành cần “dụng nhân như dụng mộc”. Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hiệp hội gỗ TP HCM (Hawa) cho rằng, ngành gỗ cần hướng tới lợi nhuận lớn, thặng dư lớn và chúng ta đang cơ hội để đạt được điều đó.
Thứ nhất, ông Khanh phân tích: Việt Nam hiện nay đang có 3000 DN ngành gỗ. Trong số đó chiếm phần lớn là vừa và nhỏ Nếu như các chuyên gia cho rằng điều này khiến các DN trong ngành chưa tạo được liên kết, quy mô để cạnh tranh và lớn mạnh thì bản thân các DN lại nhìn nhận điều này như một lợi thế linh động và dễ thích ứng, dễ gia tăng lợi nhuận tốt hơn thay vì nuôi bộ máy cồng kềnh nhiều chi phí nhiều.
Mặt khác so với các ngành hàng khác như dệt may, da giày, thủy sản, ngành gỗ sử dụng nhân công lao đông ít nhưng năng suất cao, tỷ lệ lần lượt là 7.156; 13.943 USD và 8.978 USD/ người trong khi năng suất của lao động ngành gỗ đạt tới 18.320 USD/người/ năm.
Thứ hai, ngành gỗ Việt đang được các tập đoàn, tổ chức quốc tế đánh giá cao ở lĩnh xuất khẩu dự án gỗ nội thất. Tại Ai Cập, hiện có hai khách sạn lớn nhất là Le Gray – Lebanon và SofitelLegend Old Cataract Aswan đều có 100% nội thất do CTCP Xây dựng và Kiến trúc AA cung cấp là một điển hình.
VN hoàn toàn có thể trở thành một nhà máy sản xuất nội thất của thế giới, đặc biệt khi gỗ Việt đã có mặt ở 120 quốc gia và đồ gỗ đang ngày càng được thế giới ưa chuộng bởi giá trị bảo vệ môi trường và thẩm mỹ cao, ông Khánh nói.
Một cơ hội cho ngành gỗ Việt là ngoài thị trường 90 triệu dân và khối Asean 600 triệu dân, tại Mỹ, thị trường xuất khẩu chính của VN, nhà xuất khẩu gỗ Trung Quốc đang sụt giảm thị phần đồ gỗ nội thất. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ của Trung Quốc chỉ tăng 3%, VN tăng tới 16% so với cùng kì 2013.
Ngành gỗ cần gì ?
VN hoàn toàn có thể trở thành một nhà máy sản xuất nội thất của thế giới.
|
Một thực trang trong ngành gỗ là hiện đang có cơ hội nhưng lại không có điều kiện nâng cao chất lượng thiết bị, máy móc, qua đó được chuyển giao công nghệ và hỗ trợ đào tạo nhân lực sử dụng công nghệ.
“Nhiều DN gỗ ở các quốc gia như Mỹ, Canada, Đức, Ý đang gặp khó khăn do suy giảm kinh tế thời gian qua, phải rao bán công xưởng, nhà máy, thiết bị. Máy móc của họ còn mới tinh, vô cùng giá trị, trong khi giá bán trên… Ebay chỉ bằng một phần giá gốc.
Nếu DN ta được mua máy móc đó, sẽ là dịp tốt thay đổi máy móc, cải tiến thiết bị và qua đó cũng được các chuyên gia DN bạn sẵn sàng hỗ trợ chuyển giao công nghệ sử dụng thiết bị, nâng cao trình độ.
Chúng tôi hy vọng Nhà nước sẽ quan tâm xem với đặc thù của ngành gỗ, khi một model máy móc mới thường không có cải tiến bao nhiêu so với máy móc cũ đã dùng trong dùng trong 5 năm, và máy móc cũ năng suất vẫn rất cao, dùng được lâu dài để cho phép nhập máy móc đã qua sử dụng về giúp DN tận dụng thiết bị giá rẻ gia tăng xuất khẩu…”.
Ngoài vấn đề cải tiến máy móc và trình độ quản lí, việc xây dựng thương hiệu cho ngành gỗ qua nâng cấp sản phẩm thiết bị hiện đại, mẫu mã đa dạng là cần thiết. TS Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư kí VCCI chia sẻ, việc mở cửa thị trường Asean sẽ tăng mức độ cạnh tranh với các DN cùng ngành xuất khẩu gỗ trong khu vực.
“Ngành gỗ đang có ba mũi nhọn quan trọng là sản phẩm gỗ, mây tre đan và trang trí nội thất. Cả ba mũi nhọn đều cần được xây dựng thương hiệu, thông qua chú trọng khía cạnh xúc tiến thương mại đi cùng marketing và làm thương hiệu và với mẫu mã, thiết kế cao cấp, hiện đại để gia tăng giá trị sản phẩm.
Khi tăng được giá trị sản phẩm và ngày càng có uy tín, các DN ngành gỗ sẽ xuất khẩu dự án tốt hơn nữa và sẽ không chỉ còn lo đứng ở vị trí thứ 6, hay đặt một mục tiêu thấp so với triển vọng của thị trường” - bà Hằng nhấn mạnh.
Theo Lý Sư
Diễn đàn doanh nghiệp