Để
giải quyết hồ sơ thủ tục cho doanh nghiệp bị thiệt hại, giúp họ sớm đi
vào hoạt động sau vụ đập phá, nhiều cán bộ Cục Thuế Đồng Nai, Bình
Dương... đã làm việc luôn cả ngày nghỉ.
Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Ngàn chia sẻ, địa
phương này có số doanh nghiệp bị thiệt hại khá lớn sau vụ đập phá của
nhóm người lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan Hải
Dương 981 trái phép vừa qua. Theo đó, tổng số doanh nghiệp chịu thiệt
hại trên địa bàn vào khoảng 198 đơn vị.
Ngay sau khi sự cố đáng tiếc xảy ra, ông Ngàn cho biết Cục Thuế Đồng
Nai đã ngay lập tức thành lập tổ giải quyết, hỗ trợ khó khăn cho doanh
nghiệp. "Các cán bộ trong tổ đã đi kiểm tra thực tế tại từng doanh
nghiệp. Ngoài việc động viên, chia sẻ khó khăn, chúng tôi còn triển khai
hàng loạt giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ họ", ông Ngàn nói.
Theo đó, Phó cục trưởng Ngàn cho biết, ngay cả khi chưa nhận được Thông
báo của Chính phủ cũng như Công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính, cơ quan
này đã căn cứ vào danh sách doanh nghiệp bị thiệt hại do UBND tỉnh công
bố và có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục kê khai, giảm trừ
và gia hạn thuế. Với doanh nghiệp bị cháy hoá đơn thì trong thời gian
chờ đợi in mới, Cục Thuế sẽ tạm thời bán hoá đơn cho họ.
Cán bộ thuế Đồng Nai đang làm việc với các doanh nghiệp. Ảnh: Lệ Chi
|
Mặt khác, những đối tượng doanh nghiệp này cũng được Cục Thuế ưu tiên
lấy hồ sơ ra xử lý trước, đồng thời chủ trương không thanh tra, kiểm
tra... "Để giải quyết thủ tục nhanh, giúp doanh nghiệp sớm ổn định và đi
vào hoạt động, các cán bộ thuế Đồng Nai thậm chí làm việc luôn cả trong
ngày nghỉ", ông Ngàn cho biết.
Tuy nhiên, điều mà vị Phó cục trưởng này băn khoăn là khâu thẩm định
giá trị thiệt hại. Bởi theo ông, hiện nay mới chỉ có con số tự báo cáo
thiệt hại ban đầu của các doanh nghiệp nên rất cần có một cơ quan đầu
mối đứng ra thẩm định lại một cách chính xác và nhanh nhất nhằm làm cơ
sở cho Cục Thuế quyết định mức độ miễn giảm cũng như gia hạn thuế cho
doanh nghiệp.
"Nếu công tác hỗ trợ được triển khai nhanh thì doanh nghiệp sẽ yên tâm
tập trung sản xuất kinh doanh và khi đó mới có lợi nhuận để đóng thuế
cho Nhà nước", ông Ngàn nói.
Tại TP HCM, tuy số doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhiều, chỉ 32 đơn vị
với số tiền thiệt hại chưa tới 4 tỷ đồng, nhưng do đây là những đơn vị
lớn, có mối quan hệ cung cấp hàng hoá cho nhiều doanh nghiệp khác, nên
sẽ ảnh hưởng dây chuyền; mặt khác đây còn là yếu tố tâm lý rất quan
trọng.
Vì vậy, sau sự cố, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM
cho biết, cơ quan này đã chủ động liên hệ với ban quản lý các khu chế
xuất, khu công nghiệp để nắm bắt thông tin, đồng thời lập ra tổ thường
trực tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bị ảnh
hưởng. "Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp trên đã khá yên tâm và đi vào
ổn định sản xuất", bà Nga nói.
Với Bình Dương- địa phương luôn nằm trong top dẫn đầu về thu hút vốn
FDI trên địa bàn cả nước - bị thiệt nặng nề nhất sau vụ đập phá, ông
Huỳnh Đình Trí, Phó Cục trưởng Thuế Bình Dương cho biết, sau sự cố cơ
quan này cũng đã thành lập tổ công tác chuyên trách. Hiện nay, Cục cũng
đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp việc kê khai hoá đơn chứng từ để tiến
hành gia hạn thuế...
Ông Trí cũng chia sẻ thêm, năm nay đơn vị ông được giao thu ngân sách
hơn 21.000 tỷ đồng. Qua 4 tháng đầu năm đạt số thu rất khả quan nên đã
từng rất tự tin sẽ thu vượt dự toán ít nhất 6-8% theo yêu cầu của Tổng
cục Thuế để bảo đảm thu ngân sách chung của cả nước. "Nhưng kể từ sau
đêm xảy ra vụ đập phá (13/5), chúng tôi thật sự không biết là có hoàn
thành nhiệm vụ hay không", ông Trí nói.
Bởi theo ông Trí, khối doanh nghiệp FDI trên địa bàn hàng năm đóng góp
khoản thuế khá lớn cho ngân sách. Sau sự cố này, việc thực hiện các giải
pháp miễn, giảm, gia hạn thuế theo Thông báo 207 và Công văn hướng dẫn
các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị tổn thất của Bộ Tài chính, chắc
chắn số thu sẽ giảm rất lớn, mặc dù cho đến thời điểm này vẫn chưa thống
kê được hết thiệt hại của doanh nghiệp.
Hơn nữa, hiện nay có ít nhất 44 doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, đa phần
chưa thể hoạt động sản xuất ổn định nên khả năng có thu nhập chịu thuế
thấp.
"Việc thu ngân sách năm nay sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự phục hồi hoạt
động sản xuất của hơn 600 doanh nghiệp FDI, đặc biệt là 44 doanh nghiệp
bị thiệt hại nặng", ông nhận định.
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn
triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm trở
lại sản xuất kinh doanh.
Bộ yêu cầu cơ quan thuế, hải quan hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt
hại khôi phục hồ sơ thuế (hồ sơ khai thuế, miễn, giảm thuế, hoàn thuế,
hồ sơ gia hạn nộp thuế...), hồ sơ hải quan (tờ khai hải quan, hồ sơ
miễn, giảm thuế, hồ sơ hoàn thuế...) và các tài liệu, chứng từ phục vụ
cho việc xác định giá trị bị thiệt hại.
Những công ty bị thiệt hại, số thuế được gia hạn là toàn bộ tiền
thuế phát sinh đến thời điểm 30/4/2014 (chưa nộp ngân sách), nhưng số
thuế được gia hạn này không vượt quá giá trị thiệt hại. Trường hợp chưa
xác định được giá trị thiệt hại, sẽ căn cứ vào cam kết của doanh nghiệp.
Thời gian gia hạn là 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
Những hàng hoá, dịch vụ bị thiệt hại không được bồi thường bảo hiểm
sẽ được khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp
hoá đơn chứng từ bị mất, cháy thì cơ quan thuế thực hiện sử dụng chứng
từ, tờ khai có liên quan lưu giữ ở cơ quan thuế để giải quyết cho doanh
nghiệp.
Thực hiện miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cho doanh
nghiệp bị thiệt hại. Trường hợp đã nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
đối với hàng hóa bị thiệt hại thì được hoàn tiền thuế đã nộp của hàng
hoá bị thiệt hại.
Sau khi ra quyết định miễn thuế, hải quan sẽ thực hiện hoàn thuế
nhập khẩu đã nộp cho doanh nghiệp tương ứng với số thuế nhập khẩu được
miễn hoặc thực hiện bù trừ tiền thuế theo yêu cầu của doanh nghiệp. Các
doanh nghiệp cũng được miễn giảm tiền thuê đất, thuê hạ tầng tuỳ theo
kết quả thẩm định mức độ thiệt hại.
|
Lệ Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét