Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

“Lãi vay tại Việt Nam quá cao so với các nước”

“Lãi vay tại Việt Nam quá cao so với các nước”

Việc phải vay với mức lãi suất cao hơn từ 1,4-2 lần so với các nước khác như hiện nay đang làm cho hàng hóa của Việt Nam khó cạnh tranh

“Các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn phải vay vốn với lãi suất quá cao, nên khó cạnh tranh trong xuất khẩu và cả ở thị trường nội địa”, TS. Lưu Đức Hải, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói tại một hội thảo do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ở Hà Nội, sáng 30/5.
Tại đây, các khuyến nghị giảm tiếp lãi suất đã được đặt ra.

Cụ thể, đối với xuất khẩu, các doanh nghiệp của Việt Nam mặc dù đã được hưởng ưu đãi nhưng vẫn đang vay với lãi suất là 8 - 10%/năm. Trong khi doanh nghiệp của các nước có mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam lại đang vay với lãi suất thấp hơn nhiều, chẳng hạn như Trung Quốc là 6,6%, Thái Lan là 6,9%, Malaysia là 4,9%.

Dù lãi suất cho vay đã giảm phân nửa so với những năm căng thẳng 2010-2011, nhưng theo TS. Hải, việc phải vay với mức lãi suất cao hơn từ 1,4-2 lần so với các nước khác như hiện nay đang làm cho hàng hóa của Việt Nam khó cạnh tranh; làm suy yếu dần các doanh nghiệp xuất khẩu.

Còn tại thị trường nội địa, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang vay với lãi suất 10 - 13%/năm; trong khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) nếu vay ở chính quốc để đầu tư vào Việt Nam thì mức lãi vay thấp hơn nhiều.

Từ nhiều năm nay, tại các nước có đầu tư nhiều ở Việt Nam như Mỹ có lãi suất luôn ổn định là 3,3%/năm, Nhật Bản là 1,5%, Hàn Quốc là 4,7%, Đài Loan là 2,9%.

Theo đó, sự chênh lệch về lãi suất như trên đã tạo ra những lợi thế nhất định cho các doanh nghiệp FDI so với các doanh nghiệp Việt Nam nếu tiêu thụ các hàng hóa cùng loại tại thị trường nội địa.

“Thực tiễn trên cho thấy rằng, mức lãi suất của Việt Nam hiện nay mặc dù đã giảm nhiều nhưng so với các nước khác vẫn là quá cao, đang là một sức ép rất lớn đối với các doanh nghiệp; nếu không sớm hạ nhanh lãi suất về ngang bằng các quốc gia khác thì nền kinh tế sẽ khó có sự tăng trưởng nhanh và ổn định trong trung và dài hạn”, ông Hải khuyến nghị.

Một trong những giải pháp giảm lãi suất cho vay mà chuyên gia này đưa ra là tư duy lại phương pháp điều hành theo “chính sách lãi suất thực dương”.

Chính sách lãi suất thực dương đang được sử dụng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Bản chất của nó là đảm bảo mức lãi suất đủ bù đắp sự mất giá của đồng tiền và có lãi thực, tức là lãi suất tiền gửi ngân hàng phải lớn hơn tỷ lệ lạm phát (ngược lại, lãi suất thực âm nếu mức lãi suất tiền gửi nhỏ hơn tỷ lệ lạm phát). Chính sách này có ưu điểm là cân bằng được lợi ích của người gửi tiền với lợi ích của hệ thống tín dụng và nền kinh tế.

Cũng như nhiều nước khác, Việt Nam đang áp dụng chính sách lãi suất thực dương trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, TS. Lưu Đức Hải đưa ra những điểm đáng chú ý liên quan đến chính sách này.

Thứ nhất, do tâm lý tích trữ và tình trạng vàng, đô la hóa ở Việt Nam còn quá cao nên chính sách lãi suất thực dương tác động không quá lớn đến lượng tiền gửi của dân cư; tổng số dư tiền gửi của hệ thống ngân hàng tăng không tương xứng, chủ yếu dòng tiền dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.

Thứ hai, khi lạm phát đang ở mức cao so với các quốc gia khác như hiện nay thì nếu duy trì liên tục chính sách lãi suất thực dương sẽ trực tiếp đẩy lãi suất cho vay lên cao, gián tiếp gây ra các khó khăn, đổ vỡ cho hàng loạt doanh nghiệp.

Thứ ba, lãi suất thực dương tại Việt Nam đang được tính toán căn cứ vào theo lạm phát toàn phần, trong khi thế giới căn cứ vào lạm phát cơ bản. Vì đã chưa loại trừ các yếu tố mùa vụ nên lạm phát toàn phần bao giờ cũng cao hơn lạm phát cơ bản, do vậy nếu sử dụng lạm phát toàn phần làm căn cứ xác định lãi suất thực dương thì vô hình chung đã đẩy lãi suất tiền gửi lên cao hơn mức cần thiết.

Và theo chuyên gia này, ước tính người gửi tiền vẫn có lãi khi lãi suất tiền gửi giảm 15-30% (cũng đồng nghĩa với lãi suất cho vay có thể giảm tương ứng) so với mức hiện nay nếu sử dụng lạm phát cơ bản trong điều hành chính sách tiền tệ.

Với những so sánh và phân tích trên, trong tham luận của mình, TS. Lưu Đức Hải cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách giảm dần lãi suất cho vay quá cao hiện nay xuống ngang bằng với các nước trong khu vực và thế giới thông qua sử dụng linh hoạt chính sách lãi suất.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng chính sách lãi suất thực âm trên cơ sở tạo ra sự đồng thuận, chia sẻ lợi ích giữa người gửi tiền, ngân hàng và doanh nghiệp. Năm 2008, khi lạm phát ở mức 22% Việt Nam cũng đã sử dụng chính sách lãi suất thực âm; trên thế giới cũng đã có nhiều quốc gia sử dụng thành công chính sách lãi suất thực âm khi nền kinh tế suy thoái như: Trung Quốc các năm 2004, 2008, Mỹ năm 2004.

Ngân hàng Nhà nước xem xét, cân nhắc sử dụng yếu tố lạm phát cơ bản thay cho lạm phát toàn phần trong tính toán điều hành chính sách lãi suất để hạ lãi suất huy động, làm căn cứ cho việc hạ lãi suất cho vay.

Theo Hoàng Vũ
Vneconomy

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Cơ quan thuế dốc toàn lực hỗ trợ doanh nghiệp bị đập phá

Để giải quyết hồ sơ thủ tục cho doanh nghiệp bị thiệt hại, giúp họ sớm đi vào hoạt động sau vụ đập phá, nhiều cán bộ Cục Thuế Đồng Nai, Bình Dương... đã làm việc luôn cả ngày nghỉ.
Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Ngàn chia sẻ, địa phương này có số doanh nghiệp bị thiệt hại khá lớn sau vụ đập phá của nhóm người lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vừa qua. Theo đó, tổng số doanh nghiệp chịu thiệt hại trên địa bàn vào khoảng 198 đơn vị.
Ngay sau khi sự cố đáng tiếc xảy ra, ông Ngàn cho biết Cục Thuế Đồng Nai đã ngay lập tức thành lập tổ giải quyết, hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp. "Các cán bộ trong tổ đã đi kiểm tra thực tế tại từng doanh nghiệp. Ngoài việc động viên, chia sẻ khó khăn, chúng tôi còn triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ họ", ông Ngàn nói.
Theo đó, Phó cục trưởng Ngàn cho biết, ngay cả khi chưa nhận được Thông báo của Chính phủ cũng như Công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính, cơ quan này đã căn cứ vào danh sách doanh nghiệp bị thiệt hại do UBND tỉnh công bố và có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục kê khai, giảm trừ và gia hạn thuế. Với doanh nghiệp bị cháy hoá đơn thì trong thời gian chờ đợi in mới, Cục Thuế sẽ tạm thời  bán hoá đơn cho họ.
a-nh-16-9850-1401221542.jpg
Cán bộ thuế Đồng Nai đang làm việc với các doanh nghiệp. Ảnh: Lệ Chi
Mặt khác, những đối tượng doanh nghiệp này cũng được Cục Thuế ưu tiên lấy hồ sơ ra xử lý trước, đồng thời chủ trương không thanh tra, kiểm tra... "Để giải quyết thủ tục nhanh, giúp doanh nghiệp sớm ổn định và đi vào hoạt động, các cán bộ thuế Đồng Nai thậm chí làm việc luôn cả trong ngày nghỉ", ông Ngàn cho biết.
Tuy nhiên, điều mà vị Phó cục trưởng này băn khoăn là khâu thẩm định giá trị thiệt hại. Bởi theo ông, hiện nay mới chỉ có con số tự báo cáo thiệt hại ban đầu của các doanh nghiệp nên rất cần có một cơ quan đầu mối đứng ra thẩm định lại một cách chính xác và nhanh nhất nhằm làm cơ sở cho Cục Thuế quyết định mức độ miễn giảm cũng như gia hạn thuế cho doanh nghiệp.
"Nếu công tác hỗ trợ được triển khai nhanh thì doanh nghiệp sẽ yên tâm tập trung sản xuất kinh doanh và khi đó mới có lợi nhuận để đóng thuế cho Nhà nước", ông Ngàn nói.
Tại TP HCM, tuy số doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhiều, chỉ 32 đơn vị với số tiền thiệt hại chưa tới 4 tỷ đồng, nhưng do đây là những đơn vị lớn, có mối quan hệ cung cấp hàng hoá cho nhiều doanh nghiệp khác, nên sẽ ảnh hưởng dây chuyền; mặt khác đây còn là yếu tố tâm lý rất quan trọng.
Vì vậy, sau sự cố, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết, cơ quan này đã chủ động liên hệ với ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp để nắm bắt thông tin, đồng thời lập ra tổ thường trực tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. "Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp trên đã khá yên tâm và đi vào ổn định sản xuất", bà Nga nói.
Với Bình Dương- địa phương luôn nằm trong top dẫn đầu về thu hút vốn FDI trên địa bàn cả nước - bị thiệt nặng nề nhất sau vụ đập phá, ông Huỳnh Đình Trí, Phó Cục trưởng Thuế Bình Dương cho biết, sau sự cố cơ quan này cũng đã thành lập tổ công tác chuyên trách. Hiện nay, Cục cũng đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp việc kê khai hoá đơn chứng từ để tiến hành gia hạn thuế...
Ông Trí cũng chia sẻ thêm, năm nay đơn vị ông được giao thu ngân sách hơn 21.000 tỷ đồng. Qua 4 tháng đầu năm đạt số thu rất khả quan nên đã từng rất tự tin sẽ thu vượt dự toán ít nhất 6-8% theo yêu cầu của Tổng cục Thuế để bảo đảm thu ngân sách chung của cả nước. "Nhưng kể từ sau đêm xảy ra vụ đập phá (13/5), chúng tôi thật sự không biết là có hoàn thành nhiệm vụ hay không", ông Trí nói.
Bởi theo ông Trí, khối doanh nghiệp FDI trên địa bàn hàng năm đóng góp khoản thuế khá lớn cho ngân sách. Sau sự cố này, việc thực hiện các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế theo Thông báo 207 và Công văn hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị tổn thất của Bộ Tài chính, chắc chắn số thu sẽ giảm rất lớn, mặc dù cho đến thời điểm này vẫn chưa thống kê được hết thiệt hại của doanh nghiệp.
Hơn nữa, hiện nay có ít nhất 44 doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, đa phần chưa thể hoạt động sản xuất ổn định nên khả năng có thu nhập chịu thuế thấp.
"Việc thu ngân sách năm nay sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự phục hồi hoạt động sản xuất của hơn 600 doanh nghiệp FDI, đặc biệt là 44 doanh nghiệp bị thiệt hại nặng", ông nhận định.
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh.
Bộ yêu cầu cơ quan thuế, hải quan hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại khôi phục hồ sơ thuế (hồ sơ khai thuế, miễn, giảm thuế, hoàn thuế, hồ sơ gia hạn nộp thuế...), hồ sơ hải quan (tờ khai hải quan, hồ sơ miễn, giảm thuế, hồ sơ hoàn thuế...) và các tài liệu, chứng từ phục vụ cho việc xác định giá trị bị thiệt hại.
Những công ty bị thiệt hại, số thuế được gia hạn là toàn bộ tiền thuế phát sinh đến thời điểm 30/4/2014 (chưa nộp ngân sách), nhưng số thuế được gia hạn này không vượt quá giá trị thiệt hại. Trường hợp chưa xác định được giá trị thiệt hại, sẽ căn cứ vào cam kết của doanh nghiệp. Thời gian gia hạn là 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
Những hàng hoá, dịch vụ bị thiệt hại không được bồi thường bảo hiểm sẽ được khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp hoá đơn chứng từ bị mất, cháy thì cơ quan thuế thực hiện sử dụng chứng từ, tờ khai có liên quan lưu giữ ở cơ quan thuế để giải quyết cho doanh nghiệp.
Thực hiện miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp bị thiệt hại. Trường hợp đã nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa bị thiệt hại thì được hoàn tiền thuế đã nộp của hàng hoá bị thiệt hại.
Sau khi ra quyết định miễn thuế, hải quan sẽ thực hiện hoàn thuế nhập khẩu đã nộp cho doanh nghiệp tương ứng với số thuế nhập khẩu được miễn hoặc thực hiện bù trừ tiền thuế theo yêu cầu của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng được miễn giảm tiền thuê đất, thuê hạ tầng tuỳ theo kết quả thẩm định mức độ thiệt hại.
Lệ Chi

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

B2B ở Việt Nam: Doanh nghiệp của bạn sẽ kịp thay đổi hay là chết? (P2)

Các doanh nghiệp không có chiến lược và quy trình truyền thông theo những phương thức hiện đại, mất đi nhiều cơ hội kinh doanh hơn khi so sánh với những doanh nghiệp triển khai những việc trên.

B2B ở Việt Nam: Doanh nghiệp của bạn sẽ kịp thay đổi hay là chết? (P2)
Ở phần trước, CafeBiz đã trích đăng phần 1 của bài viết về tình hình và hạn chế ở các doanh nghiệp B2B tại Việt Nam của tác giả Lawrence Chong, CEO Công ty Consulus. 
Nội dung phần 1: B2B ở Việt Nam: Quá nhiều doanh nghiệp vận hành theo mô hình của thế kỷ 20
Sau đây, CafeBiz xin trân trọng đăng tải tiếp nội dung phần 2 của bài viết nói trên đến quý độc giả, với nội dung chính là 4 gợi ý giải pháp dành cho doanh nghiệp B2B trong giai đoạn hiện nay. 

Doanh nghiệp bạn sẽ bắt kịp với những thay đổi của thời đại hoặc bị đào thải?
Rất nhiều doanh nghiệp B2B không nhận ra rằng thời đại thông tin đã và đang làm thay đổi những mong muốn của nhân viên và khách hàng. Việc họ có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin dễ dàng trong tầm tay và việc họ đăng tải các hồ sơ của mình trên các mạng xã hội Facebook có nghĩa rằng họ kỳ vọng sự tương tác nhiều hơn và họ đánh giá cao việc thông tin được cập nhật liên tục.
Do vậy những công ty trong thế kỷ 21 cần phải chủ động trong việc giao tiếp cả bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp, cũng như tạo ra một hệ sinh thái để hỗ trợ việc chia sẻ các ý tưởng, kiến thức và xây dựng sự hiểu biết là cách duy nhất để hướng lên phía trước.
Một thực tại khác là việc không hành động đã làm cho các công ty mất đi hàng triệu USD mỗi năm. Trong khi trợ giúp đồng hành tái cấu trúc cho các doanh nghiệp B2B và giúp họ không ngừng tăng cường lợi thế cạnh tranh, chúng tôi đã khám phá ra những lỗ hổng và hệ luỵ phải giật mình.
Những công ty B2B không truyền thông tốt trong nội bộ dường như rất dễ dàng mất đi những nhân viên có tiềm năng đã được dày công đào tạo vào tay các tập đoàn đa quốc gia.
Sự thiếu vắng của một hệ sinh thái để khuyến khích chia sẻ ý tưởng làm cho doanh nghiệp càng gặp rủi ro cao hơn và mất đi những cơ hội khi mà những kiến thức chuyên sâu của các nhân viên không có cách nào để truyền tải tới lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp không có chiến lược và quy trình truyền thông theo những phương thức hiện đại, mất đi nhiều cơ hội kinh doanh hơn khi so sánh với những doanh nghiệp triển khai những việc trên.
Tóm lại, mô hình kinh doanh truyền thống của các doanh nghiệp B2B không có khả năng tối đa hóa các cơ hội doanh thu cho doanh nghiệp, từ đó, gây tác động xấu tới khả năng triển khai các công việc hiệu quả hơn và tăng biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Liên hệ tới hình ảnh quân đội một lần nữa, việc này cũng giống như việc điều khiển xe tăng hay máy bay chiến đấu mà không biết sử dụng các phần mềm ngắm bắn và các công cụ giao tiếp để điều khiển vũ khí chiến đấu.
Hãy khiến doanh nghiệp của bạn sẵn sàng cho tương lai ngay từ hôm nay
Sự thật là, những chiến lược nhân sự của chúng ta chưa hẳn sẵn sàng cho tương lai. Cần có sự chuyển dịch từ quản trị nhân lực sang gắn kết nhân lực thông minh. Các lãnh đạo cấp cao cần đặt ưu tiên hàng đầu để rà soát cấu trúc doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp năng động hơn để đối mặt với những thách thức thời đại. Dưới đây là 4 cách để doanh nghiệp bạn làm điều đó:
1. Rà soát lại những hậu quả của việc thiếu sự gắn kết
Tiến hành xem xét kỹ lưỡng xem doanh nghiệp có thực sự ổn nếu như thiếu sự gắn kết với nhân viên và khách hàng. Nhận dạng xem các nhân viên và khách hàng của bạn nhận thông tin về doanh nghiệp từ những nguồn nào và liệu những nguồn thông tin “chợ đen” có hủy hoại uy tín doanh nghiệp của bạn hay không.
Sau khi bạn đã rà soát, hãy phát triển một kế hoạch hành động, với sự cân nhắc kỹ lưỡng những thông tin bạn sẽ truyền tải, hình thức tương tác, trao đổi bạn muốn tạo ra và cấp độ gắn kết mong muốn. Đối với nhân sự nội bộ, tốt nhất truyền thông ít nhất 1 lần 1 quý.
Đối với khách hàng, cần triển khai các cập nhật tin tức trực tuyến trên trang web doanh nghiệp và các trang mạng xã hội ít nhất 1 lần 1 tháng.
B2B ở Việt Nam: Doanh nghiệp của bạn sẽ kịp thay đổi hay là chết? (P2) (1)

Doanh nghiệp B2B cần thường xuyên cập nhật với khách hàng tin tức trên trang web công ty. Nguồn ảnh: Trang web tập đoàn Fast Flow Singapore.
2) Thay đổi cách thức nhân tài được đánh giá
Bước quan trọng tiếp theo là thiết kế sự gắn kết vào các tập quán và chính sách doanh nghiệp. Rà soát cách thức doanh nghiệp bạn vẫn làm đánh giá và khen thưởng nhân viên và lộ trình phát triển nghề nghiệp cho họ.
Dành nhiều sự khen thưởng cho những cá nhân hợp tác với nhau, hoặc cách thức họ chia sẻ và dẫn dắt đội nhóm. Đây là một cách đã được chứng minh hiệu quả trong việc khuyến khích văn hoá hợp tác và vươn lên.
Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp trong đó một khi nhân viên hiểu được rằng cách thức duy nhất họ có thể vươn lên trong lộ trình nghề nghiệp chính là hợp tác tốt với đồng nghiệp, họ tự khắc sẽ thay đổi tư duy và phấn đấu thực hành điều đó.
3) Triển khai các công cụ gắn kết phản hồi ngay lập tức
Tiếp theo, hãy tìm những cách thức để sử dụng công nghệ hiện đại ngày nay để gắn kết nhân sự theo cách nhanh chóng hơn thay vì đơn giản chờ đến những buổi họp cập nhật chiến lược hàng quý như trước kia. Có rất nhiều các công cụ mạng xã hội cho các doanh nghiệp tận dụng.
Để giúp các khách hàng, chúng tôi đã chính thức ra mặt một mạng xã hội khuyến khích chia sẻ nội bộ chạy trên các thiết bị di động mang tên CastleUp. Ứng dụng mạng xã hội nội bộ này tạo điều kiện cho các khách hàng của chúng tôi gắn kết nhân viên hàng ngày.
Mức độ tương tác và hình thức thông tin họ chia sẻ cho phép những người lãnh đạo hiểu được sự gắn kết đang diễn ra như thế nào và lĩnh vực hoặc phòng ban nào cần được cải thiện.
B2B ở Việt Nam: Doanh nghiệp của bạn sẽ kịp thay đổi hay là chết? (P2) (2)

CastleUp là ứng dụng mạng xã hội tạo điều kiện cho doanh nghiệp gắn kết với nhân viên và khuyến khích hợp tác có ý nghĩa trong nội bộ. Nguồn ảnh: Consulus
4) Xây dựng một học viện nội bộ
Có rất nhiều cơ hội để xây dựng doanh nghiệp B2B thông minh hơn. Bạn có thể cân nhắc tạo ra những giây phút khi những nhân sự cấp cao và dày dạn kinh nghiệm chia sẻ những kiến thức chuyên sâu của họ.
Hãy ghi hình lại những giây phút này và sử dụng để đào tạo và truyền bá kiến thức. Nếu như bạn xây dựng một đội ngũ nội bộ và các sản phẩm tốt, những công cụ này có thể được sử dụng cho phát triển kinh doanh.
Với rất nhiều công cụ công nghệ trong tầm tay, không có lý do gì khiến chúng ta không tạo ra các mô hình thông minh hơn để không ngừng học hỏi và gắn kết lẫn nhau.
Lawrence Chong - CEO Consulus

* Lawrence Chong là Đồng sáng lập viên và CEO tại Consulus. Ông cũng là diễn giả tại Hội nghị Hình Thành Thế Giới 2014, Việt Nam diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 14 tháng 8 năm 2014. Xoay quanh chủ đề “Doanh nghiệp Việt sáng tạo cùng vượt trội”, Hội nghị nhằm giúp các lãnh đạo doanh nghiệp doanh nghiệp Việt Nam và châu Á suy ngẫm về cách thức họ mong muốn hình thành tương lai cho Việt Nam và khu vực thông qua xây dựng những doanh nghiệp cởi mở và khuyến khích hợp tác có ý nghĩa để tận dụng sức mạnh của sáng tạo.

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Doanh nghiệp tồn kho sẽ được hỗ trợ thuế


Bộ Tài chính trong quý II/2014 cũng hoàn thiện hướng dẫn ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thủ tướng vừa có Chỉ thị về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, trong năm nay Bộ Tài chính sẽ trình những giải pháp hỗ trợ thuế hoặc thanh toán bù trừ với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn về vốn do tồn kho, chưa được thanh quyết toán, giảm mức phạt chậm nộp thuế.
Cùng với đó, trong quý II/2014, những hướng dẫn về ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được hoàn thiện.
doanh-nghiep-1234-1400816949.jpg
Chính phủ sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp khó khăn. Ảnh: Anh Quân
Theo Luật, doanh nghiệp nói chung sẽ được giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp về 22% từ 1/1/2014 và giảm về 20% từ 1/1/2016. Doanh nghiệp có tổng doanh thu một năm không quá 20 tỷ đồng được áp thuế suất ưu đãi 20%. Doanh nghiệp có dự án đầu tư mới tại địa bàn khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao cũng chỉ phải chịu thuế suất 10%...
Thủ tướng cũng yêu cầu sớm đưa Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận các doanh nghiệp để tư vấn cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp để tăng cường khả năng cho vay tín chấp, cơ cấu lại các khoản vay vốn lãi suất cao trước đây.
Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, cạnh tranh lành mạnh, từ đó giảm lượng hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các thủ tục hành chính, nhất là trên lĩnh vực gia nhập thị trường, xuất nhập khẩu, tiếp cận vốn, đất đai, đầu tư, lao động... cũng phải thông thoáng, tạo điều kiện nhất cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, song khu vực này đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Báo cáo của Cục Đăng ký kinh doanh cho hay trong 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 21.500 doanh nghiệp buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động, bằng 84% số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chiếm tỷ lệ lớn nhất là doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký.
Phương Linh

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Bí quyết học nhanh chóng được nhiều ngoại ngữ của một nhà ngoại giao

Nhà ngoại giao người Mỹ Shawn Kobb nói về cách học ngoại ngữ của người Mỹ. Một ví dụ khá thú vị mà chúng ta nên biết.

Shawn Kobb – cựu nhân viên Sở Ngoại vụ Mỹ - tác giả bài viết. Shawn Kobb – cựu nhân viên Sở Ngoại vụ Mỹ - tác giả bài viết.
Nội dung nổi bật:

- Hầu hết các nhà ngoại giao Mỹ đều nói được ít nhất 3 ngoại ngữ với một mức độ thành thạo nhất định. Họ được yêu cầu phải nói thành thạo ít nhất một ngoại ngữ trong vòng 5 năm đầu tiên làm việc và thành thạo ít nhất 2 ngoại ngữ cho vị trí cấp cao.

- Bộ Ngoại giao Mỹ có một trường đại học mini riêng cho các nhà ngoại giao của họ, được biết đến với tên gọi Viện Ngoại vụ (FSI), có tất cả hơn 80 ngoại ngữ để đào tạo các nhà ngoại giao. 

- Sở Ngoại vụ Mỹ sử dụng một thang điểm được biết đến với tên gọi Bàn tròn Ngoại ngữ liên cơ (ILR). Không giống như học ngoại ngữ với mục đích thông thường, các nhà ngoại giao có mục tiêu rất cụ thể sau mỗi khóa đào tạo, họ phải vượt qua kỳ thi trước khi được bổ nhiệm cho một kỳ công tác ở nước ngoài. 



Dù trên nguyên tắc, các nhà ngoại giao Mỹ không bị yêu cầu phải nói bất cứ ngoại ngữ nào khác ngoài tiếng Anh, nhưng thực tế thì khác, chúng tôi được yêu cầu phải nói thành thạo ít nhất một ngoại ngữ trong vòng 5 năm đầu tiên làm việc. Trong khi đó, thành thạo ít nhất 2 ngoại ngữ là điều bắt buộc để có được cấp bậc cao nhất. Trên thực tế, hầu hết các nhà ngoại giao Mỹ đều nói được ít nhất 3 ngoại ngữ với một mức độ thành thạo nhất định. 

Đúng là, với những người thích học ngoại ngữ, một trong những lợi ích khi có được một công việc ở Sở Ngoại vụ Mỹ không chỉ là ở đó họ có cơ hội được đào tạo ngoại ngữ, mà còn là họ còn được trả tiền để đi học. Hiện tôi đang trong khóa đào tạo chuẩn bị cho đợt công tác nước ngoài thứ tư của mình. Mùa hè năm nay, tôi sẽ đến Vienna và giờ tôi đang dành 100% thời gian để học tiếng Đức. Tôi được trả tiền để đi học.

Bộ Ngoại giao Mỹ có một trường đại học mini riêng cho các nhà ngoại giao của họ, được biết đến với tên gọi Viện Ngoại vụ (FSI). Dù các môn học rất rộng như quản trị, thuyết trình, nghiệp vụ ngoại giao đều được giảng dạy tại đó, nhưng tỷ lệ lớn nhất trong đó được dành cho đào tạo ngoại ngữ.

FSI có tất cả hơn 80 ngoại ngữ để đào tạo các nhà ngoại giao, và đi qua các lớp học cũng giống như đang ở trên một tour du lịch vòng quanh thế giới vậy. Lớp này nối lớp khác, âm thanh của các thứ tiếng đa dạng: Pháp, Đức, Trung Quốc, Na Uy, Anh, Bồ Đào Nha…lấp đầy không gian như một bản hòa âm liên hợp quốc thực sự.

Một số lớn các giáo viên ở FSI là người bản địa của thứ tiếng mà họ giảng dạy và có thể truyền đạt nền văn hóa quê hương họ khi họ dạy ngoại ngữ. Rất bình thường khi bạn thấy nhiều người ở FSI tổ chức Tết âm lịch của người Trung Quốc, ngày độc lập của người Ukraine và lễ ăn chay Ramidan.

Học tập tại FSI

Các khoa ngôn ngữ khác nhau vận hành hoạt động của họ có một chút khác biệt, nhưng có một điểm chung giữa các nhà ngoại giao Mỹ trong việc học ngoại ngữ.

Chúng tôi dành tối thiểu 5 tiếng tại lớp học để hội thoại, luyện tập kỹ năng phỏng vấn, đọc, thuyết trình. Gần như toàn bộ thời gian trên lớp được dành cho thực hành ngoại ngữ, đặc biệt sau một vài tuần đầu hướng dẫn. Các lớp học hiếm khi có hơn 4 sinh viên trên mỗi giáo viên.

Ngoài thời gian trên lớp, sinh viên còn được tiếp cận với các phòng máy để sử dụng các công cụ đa phương tiện (nghe, nhìn…và nhiều công nghệ khác). Các phòng máy này luôn có giáo viên ở đó, nên học viên sẽ dễ dàng tìm được câu trả lời khi họ cần.

Sau giờ học trên lớp, chúng tôi nhận được bài tập về nhà hàng ngày. Điều này cho sinh viên luyện tập ngữ pháp bên ngoài lớp học. Cách này không hiệu quả bằng hội thoại, nhưng nó giúp cải thiện các kỹ năng và cho bạn cơ hội xem lại bất cứ thứ gì bạn thấy mắc mớ.

Những mục tiêu cụ thể trong các kỳ thi

Không giống như học ngoại ngữ với mục đích thông thường, các nhà ngoại giao có mục tiêu rất cụ thể sau mỗi khóa đào tạo, họ phải vượt qua kỳ thi trước khi được bổ nhiệm cho một kỳ công tác ở nước ngoài.

Kỹ năng hội thoại hàng ngày rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, bài kiểm tra đòi hỏi bạn phải có một năng lực cụ thể ở trình độ cao trong một số môn học rất khó. Đặc biệt trong kỳ thi cuối, chúng tôi được kỳ vọng phải nói chuyện được trong một thời gian nhất định nào đó, về những chủ đề như môi trường, hệ thống chính trị, quân sự, giáo dục của Mỹ và nhiều chủ đề khác mà một sinh viên ngoại ngữ bình thương khác có thể không quan tâm.

Ngoài việc luyện tập nói về những chủ đề phức tạp này, chúng tôi cũng phải phỏng vấn người bản địa (của thứ tiếng mà chúng tôi học), và sau đó dịch lại sang tiếng Anh. Đây là một phần rất thách thức bởi chúng tôi phải kiểm soát thật tốt cuộc hội thoại, nếu không người được phỏng vấn sẽ nhanh chóng áp đảo bạn và bạn sẽ bị chìm trong cơn lũ ngôn từ của họ. Bên cạnh đó, phần đọc cũng là phần thách thức không kém. Điều này rất quan trọng, vì ngay cả những chương trình đơn giản hơn như Pimsleur hay Rosetta Stone cũng sẽ không cắt đi.

Sở Ngoại vụ Mỹ sử dụng một thang điểm được biết đến với tên gọi Bàn tròn Ngoại ngữ liên cơ (ILR). Trong hầu hết các lần làm test, chúng tôi đều giành được 3 điểm cho phần đọc và 3 điểm cho phần nói. Với những người am hiểu Khung tham chiếu ngoại ngữ cơ bản châu Âu, số điểm này tương đương với mức C1.

Mất bao lâu chúng tôi có thể đạt được số điểm này? Phụ thuộc vào từng ngoại ngữ. Nếu bạn học tiếng Tây Ban Nha, Pháp hay một thứ tiếng Roman nào đó, thường thì bạn được cho 4 tháng.Với tiếng Đức, bạn được cho nhiều thời gian hơn. Tiếng Nga, nhiều hơn nữa, và với những ngoại ngữ có cấu trúc ngữ pháp khác biệt lớn với tiếng Anh, như tiếng Hoa, Hàn Quốc, Arab, bạn được cho tới 1 năm hoặc hơn.

Điều đó có thể làm được không? Tất nhiên là được. Tôi không biết chính xác tỷ lệ những học viên đã đỗ, nhưng tôi có thể nói là khá cao.

FSI thực sự đã làm mọi thứ họ có thể để không chỉ chuẩn bị cho các nhà ngoại giao vượt qua bài test, mà còn cho cuộc sống hàng ngày. Thường thì các sinh viên sẽ được tham gia vào một chuyến đi hỗ trợ cho việc học của họ. Tôi đang hy vọng sẽ được đến Đức sắp tới trong một chuyến đi kéo dài 1 tuần để học ngoại ngữ. 

Tự học là điều bắt buộc

Tất cả những điều trên đã là đủ? Có thể, nhưng…

Nếu bạn tích cực đến lớp, nếu bạn chăm chỉ làm việc, bạn có thái độ nghiêm túc và kiên trì, bạn sẽ vượt qua bài test. Bạn có thể ghi nhầm nơi sinh của mình được không? Chắc là không, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, bạn vẫn có thể để nó trôi đi theo một hướng không mong muốn. Tuy nhiên, tôi là một người tin tưởng sâu sắc rằng ai cũng cần tự học.

Tôi đặt ra những gì cần làm ở lớp và làm việc chăm chỉ vì những mục tiêu đó, nhưng cũng tự bổ sung các kỹ năng cho mình. Tôi xác định những động từ mà tôi muốn ghi nhớ và làm những tấm thẻ và chắc chắn rằng sử dụng chúng nhiều lần trên lớp trong ngày. Tôi tìm các bài báo tiếng Đức trên mạng mà tôi thấy thú vị để luyện đọc, đồng thời bổ sung từ vựng. Tôi vào các website như FluentIn3Months.com để tham khảo các mẹo mà tôi có thể học từ những sinh viên khác.

Đó là sự nghiệp và cũng là quá trình học tập của tôi. Tôi không muốn ngồi môt cách thụ động và chờ mọi thứ tự đến. Tôi muốn hành động và vạch ra một chương trình làm việc cho mình. Tôi cũng đã nói là tôi được trả tiền khi tôi đi học như thế này.

B2B ở Việt Nam: Quá nhiều doanh nghiệp vận hành theo mô hình của thế kỷ 20 (P1)

Đã đến lúc các doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp, còn được gọi là doanh nghiệp B2B, cần tái cấu trúc mô hình tổ chức để sẵn sàng đối mặt với những thách thức của thời đại.

Maersk, công ty vận chuyển và hãng tàu container hàng đầu thế giới, là một ví dụ rất điển hình của một doanh nghiệp B2B tận dụng mạng xã hội để tạo ra một hệ sinh thái gắn kết khách hàng, đối tác, nhân viên và những người đi biển khắp thế giới. Maersk, công ty vận chuyển và hãng tàu container hàng đầu thế giới, là một ví dụ rất điển hình của một doanh nghiệp B2B tận dụng mạng xã hội để tạo ra một hệ sinh thái gắn kết khách hàng, đối tác, nhân viên và những người đi biển khắp thế giới.
CafeBiz xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài viết của tác giả Lawrence Chong, CEO của Công ty Consulus về những tình hình, hạn chế và cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp trong lĩnh vực B2B tại Việt Nam.

Ở thời đại công nghệ như hiện nay khi LinkedIn có thể nói đang sở hữu nhiều kiến thức chuyên sâu về nhân sự hơn bộ phận quản lý nhân sự của doanh nghiệp bạn và Google nắm giữ nhiều thông tin về các cơ hội kinh doanh hơn đội bán hàng và tiếp thị của doanh nghiệp bạn, một điều chúng ta phải thừa nhận đó là: Đã đến lúc các doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp, còn được gọi là doanh nghiệp B2B, cần tái cấu trúc mô hình tổ chức để sẵn sàng đối mặt với những thách thức của thời đại.
Phần 1: Quá nhiều doanh nghiệp B2B vẫn vận hành theo mô hình của thế kỷ 20
Một vài người trong số chúng ta có thể nghĩ điều trên đây là rất bình thường, nhưng rất đáng tiếc, không nhiều doanh nghiệp B2B đã thay đổi và tiếp nhận phương thức tiếp cận mới tạo điều kiện cho họ thu lợi từ sự hợp tác nội bộ và thông tin dữ liệu - những nhân tố quyết định môi trường của một doanh nghiệp sẵn sàng cho tương lai.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp B2B cố tin vào những niềm tin cũ và vận hành kinh doanh theo cách thức truyền thống. Có thể mô tả những gì đang xảy ra như sau, rất nhiều doanh nghiệp B2B ở Châu Á vận hành như những quốc gia với cấu trúc quân sự và bộ máy ở thế kỷ 20.
Họ tin tưởng vào mô hình lãnh đạo độc tài, không sẵn lòng trao quyền và thông tin cho đội quân bên dưới, kéo dài quy trình ra quyết định từ đó mất đi các cơ hội doanh thu.
Dưới đây là một vài dấu hiệu của doanh nghiệp B2B với mô hình của thế kỷ 20:
1) Thiếu tinh thần đấu tranh trong truyền thông doanh nghiệp
Trang web doanh nghiệp ít khi cập nhật tin tức, cũng như, doanh nghiệp không có tài khoản LinkedIn hay Facebook, tạo ra cho người đọc ấn tượng rõ ràng rằng doanh nghiệp của bạn không quan tâm đến tìm kiếm các cơ hội mới hay các hợp đồng kinh doanh.
B2B ở Việt Nam: Quá nhiều doanh nghiệp vận hành theo mô hình của thế kỷ 20 (P1) (1)
Do vậy, khi các khách hàng tiềm năng tìm kiếm về bạn trên Google, họ sẽ tìm thấy rất ít thông tin về doanh nghiệp bạn, từ đó, củng cố thực tế rằng doanh nghiệp của bạn chỉ là người chơi nhỏ trên thị trường.
Điều này cũng ảnh hưởng đến quan niệm của các nhân viên. Bạn bè của họ có xu hướng tìm hiểu về nơi bạn mình làm việc thông qua trang web công ty và việc doanh nghiệp bạn ít xuất hiện sẽ tạo cho những người bạn này cảm giác rằng nhân viên đó đang làm việc cho một công ty lỗi thời và không có tầm nhìn. Điều này thực sự ảnh hưởng tới tinh thần nhân viên và làm doanh nghiệp khó có thể thu hút được những người tài.
2) Thiếu sự năng động trong gắn kết nhân viên
Doanh nghiệp bạn chỉ sắp xếp một vài dịp để cập nhật với nhân viên về hướng phát triển của công ty. Nhân viên trong công ty chỉ nhìn nhận bộ phận nhân sự với vai trò những công việc hành chính. Nhân viên ít khi được khuyến khích hợp tác liên phòng ban do mọi người đều trong trạng thái việc ai người ấy làm.
Mỗi khi nhận được những mệnh lệnh được giao từ bên trên xuống, nhân viên ít nhiều có cảm giác doanh nghiệp đang gặp phải vấn đề cấp bách nhưng họ vẫn không hiểu hết được bức tranh lớn doanh nghiệp đang theo đuổi.
B2B ở Việt Nam: Quá nhiều doanh nghiệp vận hành theo mô hình của thế kỷ 20 (P1) (2)
Chính điều này lại vô tình ra tín hiệu khiến nhân viên lùi lại và không muốn cam kết quá nhiều với doanh nghiệp. Họ sẽ nghĩ rằng hãy chỉ cần làm đúng vai trò của mình và sẽ tìm kiếm các cơ hội mới tốt hơn ở các doanh nghiệp khác!
3) Không có khả năng tiếp nhận và xử lý những phản hồi
Một vài công ty coi nhân viên như những khách hàng và họ triển khai những hòm thư phản hồi. Những hòm thư phản hồi này thường được đưa ra với những khẩu hiệu rất sôi nổi ban đầu, sau đó dễ dàng bị rơi vào quên lãng. Do vậy, khi nhân viên đi qua những hòm thư này, họ nhìn chúng như một dấu hiệu của sự không cam kết.
B2B ở Việt Nam: Quá nhiều doanh nghiệp vận hành theo mô hình của thế kỷ 20 (P1) (3)

Tại các buổi họp - chính vì các nguyên tắc đưa ra ý kiến phản hồi không được định nghĩa rõ ràng - các nhân viên mới sẽ dành thời gian quan sát động thái của đám đông trước khi dám đưa ra ý kiến đóng góp. Điều này thực sự làm mất thời gian và mất đi rất nhiều tiền của bởi đáng ra có những nhận xét chuyên sâu và thật lòng có thể giúp doanh nghiệp tạo ra những khác biệt lớn.
4) Thiếu sự minh bạch trong cấu trúc doanh nghiệp
Doanh nghiệp không giải thích hoặc cập nhật rõ ràng cách thức cấu trúc các phòng ban và tại sao người này lại làm việc với người kia. Do vậy khi một nhân sự đảm nhiệm một công việc mới trong công ty, họ phải tự tìm hiểu tất cả mọi thứ.
Ba lý do khiến nhân viên dứt áo ra đi khỏi công việc "như mơ" 3
Việc này khiến họ có cảm giác giống như bị treo lơ lửng giữa 1 cánh đồng mênh mông và người nhân viên này phải tự tìm hiểu cần làm việc với ai và làm cách nào để nhận được sự trợ giúp khi họ thực sự không biết bắt đầu từ đâu. Có thể nói, việc này càng khiến người nhân viên cảm thấy mất phương hướng hơn và giảm hiệu quả làm việc cho doanh nghiệp.
Phần 2: Doanh nghiệp B2B của bạn sẽ bắt kịp với những thay đổi của thời đại hoặc bị đào thải?